Viêm tiểu phế quản hô hấp do đâu mà ra? Cách điều trị thế nào sẽ được chia sẻ trong bài viết dưới một cách rõ ràng cho bạn tham khảo thêm. Bạn cần biết đến những bệnh liên quan đến đường hô hấp sớm để có cách xử lý hợp lý nếu chúng xuất hiện.
Viêm tiểu phế quản là căn bệnh chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ, khi các tiểu phế quản chưa phát triển hoàn thiện. Nếu hệ hô hấp ở độ tuổi này bị virus tấn công, các tiểu phế quản non nớt còn rất yếu nên dễ bị thu hẹp hoặc sưng tấy khi bị viêm, gây ra các triệu chứng khó thở, thở khò khè. Nó thường chỉ xảy ra một hoặc hai lần trong độ tuổi này, nhưng đôi khi bị nhầm với bệnh hen suyễn hoặc viêm phổi.
Xem nhanh
Viêm tiểu phế quản là gì?
Viêm tiểu phế quản là một bệnh liên quan đến nhiễm trùng phổi phổ biến. Bệnh gây viêm và tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ (tiểu phế quản) của phổi. Viêm tiểu phế quản hầu như đều do vi rút gây ra. Thông thường, thời gian dễ xuất hiện bệnh viêm tiểu phế quản là trong những tháng mùa đông.
Viêm tiểu phế quản có các triệu chứng ban đầu tương tự như cảm lạnh thông thường, nhưng sau đó là ho, thở khò khè và đôi khi khó thở. Các triệu chứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần hoặc thậm chí một tháng.
Hầu hết trẻ em sẽ cải thiện khi được chăm sóc tại nhà, với một số rất nhỏ phải nhập viện. Một số biến chứng của viêm tiểu phế quản nặng bao gồm:
- Da hoặc môi nhợt nhạt (tím tái) do thiếu oxy;
- Ngừng thở. Tình trạng này có thể xảy ra ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh trong vòng hai tháng đầu đời;
- Mất nước;
- Mức độ oxy thấp và suy hô hấp tiểu phế quản.

Nguyên nhân viêm tiểu phế quản hô hấp
Viêm tiểu phế quản do virus tấn công vào các đường dẫn khí nhỏ trong phổi và gây nhiễm trùng, khiến các tiểu phế quản sưng lên và bị viêm. Chất nhầy tích tụ trong đường thở khiến không khí ra vào khó khăn.
Hầu hết những trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. RSV là một loại vi rút thường lây nhiễm cho trẻ em dưới 2 tuổi. Các đợt nhiễm RSV bùng phát thường xảy ra vào mùa đông. Viêm tiểu phế quản cũng có thể do một số loại vi rút khác gây ra, bao gồm vi rút gây ra bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường. Trẻ sơ sinh có thể bị tái nhiễm RSV vì có ít nhất hai trong số các chủng này tồn tại.
Các vi rút gây ra viêm tiểu phế quản rất dễ lây lan. Bạn có thể nhiễm qua các giọt nhỏ trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc trò chuyện. Bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào một số đồ vật dùng chung, chẳng hạn như khăn tắm hoặc đồ chơi, sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Chẩn đoán và điều trị hiệu quả viêm tiểu phế quản hô hấp
Thông tin được cung cấp dưới đây không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên gia y tế, vì vậy tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế dùng chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản hô hấp
Bác sĩ thường xác định bệnh bằng cách quan sát trẻ và nghe phổi bằng ống nghe. Nếu con bạn có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản nặng, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm, bao gồm:
- Chụp X-quang: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để tìm các dấu hiệu của bệnh viêm phổi
- Kiểm tra vi rút: Bác sĩ sẽ đưa một que vào mũi của trẻ để lấy mẫu chất nhầy và kiểm tra vi rút gây viêm tiểu phế quản.
- Xét nghiệm máu: Thỉnh thoảng, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng bạch cầu ở trẻ. Xét nghiệm khí máu động mạch cũng có thể giúp bác sĩ xác định nồng độ oxy trong máu thấp như thế nào.
Bác sĩ cũng có thể kiểm tra các dấu hiệu mất nước của con bạn, đặc biệt nếu con bạn không ăn uống được hoặc đang nôn trớ. Các dấu hiệu của tình trạng mất nước bao gồm mắt trũng sâu, miệng và da khô, chậm chạp và ít hoặc không đi tiểu.

Những phương pháp điều trị bệnh viêm tiểu phế quản hô hấp
Bạn có thể quản lý các triệu chứng viêm tiểu phế quản tại nhà. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh trường hợp trẻ mất nước. Nếu trẻ bị nghẹt mũi, hãy dùng ống hút để hút chất nhầy ra ngoài. Thuốc hạ sốt (như acetaminophen hoặc ibuprofen) có thể giúp hạ sốt cho bé. Không cho trẻ dưới 2 tuổi uống aspirin vì làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye. Bạn không nên tự mua thuốc ho và cảm lạnh. Bạn cần phải cẩn thận với thuốc, đọc và làm theo tất cả các hướng dẫn trên nhãn.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản nếu con bạn có dấu hiệu bị dị ứng. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể phải ở lại bệnh viện hoặc được thở oxy.
Viêm tiểu phế quản hô hấp nếu nhẹ bạn có thể điều trị tại nhà, trường hợp nặng như khó thở, thở nhanh, chán ăn hoặc nôn trớ thì cần cho trẻ nhập viện để theo dõi và điều trị. Nhưng dù nặng hay nhẹ con bạn vẫn cần được bác sĩ nhi khoa khám để giúp loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn với các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như hen suyễn hoặc viêm phổi.